HLV Cristiano Roland, cựu trung vệ Hà Nội, HLV U17 thủ đô. Ảnh: CLB Hà Nội. |
Đa số cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thất bại thường không có sự chuẩn bị tốt về nhiều mặt, bao gồm yếu tố ngoại ngữ. Lê Công Vinh sang Bồ Đào Nha, Đoàn Văn Hậu đi Hà Lan Nguyễn Quang Hải sang Pháp hồi năm ngoái… đều là những trường hợp không thể hòa nhập với môi trường bóng đá nước ngoài vì không có ngoại ngữ.
Vinh, Hậu hay Hải đều thừa nhận ngôn ngữ là rào cản, có ảnh hưởng quan trọng tới các chuyến xuất ngoại. Đó là bài học và thách thức cho giấc mơ thi đấu ở nước ngoài của những cầu thủ Việt Nam sau này.
Tuy nhiên, khi chia sẻ với Tri thức – Znews, Cristiano Roland, cựu ngoại binh CLB Hà Nội và hiện là HLV U17 Hà Nội, lại có quan điểm khác. Ông cho rằng ngoại ngữ chỉ là một vấn đề nhỏ với cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài.
“Đương nhiên ngoại ngữ quan trọng, nhưng không phải yếu tố quyết định thành bại của cầu thủ khi ra nước ngoài thi đấu. Có ngoại ngữ, cầu thủ sẽ giao tiếp tốt hơn. Tuy nhiên bóng đá có ngôn ngữ riêng”, HLV Cristiano Roland nói.
Ông phân tích: “Rào cản đầu tiên của cầu thủ khi xuất ngoại là thay đổi môi trường sống. Cầu thủ đó sẽ phải sống xa gia đình và bạn bè. Tiếp đến là vấn đề về thể chất như thể lực, thể hình. Sau đó là tâm lý thi đấu và vấn đề ăn uống. Không phải CLB nước ngoài nào cũng có thể đáp ứng cho các cầu thủ. Vượt qua những khó khăn đó là cả vấn đề lớn. Tôi không nói cầu thủ Việt Nam không làm được, nhưng để thành công, họ phải có sự chuẩn bị kỹ”.
HLV Roland coi yếu tố thể chất và trải nghiệm ở trong nước mới ảnh hưởng lớn tới việc xuất ngoại của cầu thủ Việt. Ảnh: CLB Hà Nội. |
Cristiano Roland vừa giúp U17 Hà Nội giành chức vô địch U17 Quốc gia 2024. Khi được hỏi về ý tưởng đưa cầu thủ Việt Nam sớm làm quen với môi trường chơi bóng ở nước ngoài, ngay từ cấp độ U17, HLV Roland cho hay:
“Việc liên kết với các CLB để cho các em xuất ngoại đi tập huấn là tốt, đặc biệt ở Brazil và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên cũng nên nghĩ về việc làm nhiều hơn ở trong nước để các em có môi trường tốt. Các cầu thủ trẻ Việt Nam đá khoảng 16 trận chính thức một mùa, chưa kể giao hữu. Như thế là ít. Ở đất nước nhỏ như Bồ Đào Nha, lứa U17 có 45 – 50 trận chính thức mỗi mùa giải. Đó là yếu tố quan trọng để cầu thủ có cảm giác, tâm lý và kỹ năng thi đấu”, HLV Roland nói.
Ông tiếp tục: “Với cầu thủ trẻ Việt Nam, tôi nghĩ xuất ngoại sang tập huấn và thậm chí là thi đấu chuyên nghiệp không phải là khó. Quan trọng là họ được chuẩn bị thế nào ở trong nước, mà việc được thi đấu nhiều hay không đóng vai trò lớn”.
HLV Roland sinh năm 1976 tại Brazil, từng cùng CLB Hà Nội vô địch V.League 2010 và 2013. 10 năm qua, ông dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình và theo học các khóa HLV. Roland cho biết luôn nghĩ đến việc quay lại Việt Nam.
“Không rõ vì sao, cứ sau mỗi cuối tuần học tập và làm việc, tôi lại xem V.League, trong khi người khác xem bóng đá Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Tôi vẫn luôn bám sát chuyển động của bóng đá Việt Nam những năm qua. Cuối cùng, khi có cơ hội, tôi đã trở lại. Chủ tịch Hà Nội giao tôi vị trí đầu tiên là đội U15, đến nay các em là U17”, Roland nói về cái duyên với bóng đá Việt Nam.
Từng là một trong những trung vệ nổi bật ở V.League, chiến lược gia người Brazil coi quãng thời gian thi đấu ở đây là bài học quan trọng ảnh hưởng đến triết lý huấn luyện của mình với các cầu thủ trẻ.
“Chất lượng cầu thủ Việt Nam đặc biệt là Hà Nội rất tốt. Khi tôi còn thi đấu, một vấn đề quan trọng là khả năng liên kết giữa các cầu thủ nội và ngoại. Cầu thủ ngoại được liên kết tốt sẽ phát huy sức mạnh của cầu thủ nội. Tôi không bao giờ nghĩ mình là ngôi sao. Ngôi sao là các cầu thủ nội. Đó là định hướng của tôi khi huấn luyện. Sự tôn trọng lẫn nhau và khả năng liên kết là mục tiêu tôi đặt ra cho các học trò”, HLV Roland cho hay.