U19 Việt Nam không có lấy một cá nhân thực sự nổi bật. Ảnh: VFF.

Thất bại 2-6 trước U19 Australia chiều 21/7 khiến U19 Việt Nam gần như chắc chắn dừng bước từ vòng bảng U19 Đông Nam Á 2024. Do mới có 1 điểm sau 2 trận, thầy trò HLV Hứa Hiền Vinh khó cạnh tranh suất đi tiếp với tư cách một trong 3 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, ngay cả khi thắng đậm Lào ở lượt cuối.

Nếu không có phép màu ở lượt cuối, đây sẽ là lần thứ 4 trong 5 giải U19 Đông Nam Á gần nhất, U19 Việt Nam không qua nổi vòng bảng. Kể từ sau giải đấu năm 2016, Việt Nam chỉ có một lần vào bán kết và giành hạng ba vào năm 2022. Các giải năm 2017, 2018, 2019 và 2024, U19 Việt Nam cứ cùng bảng với Australia hoặc Indonesia thì đều bị loại.

Năm 2016 cũng là cột mốc lứa Quang Hải, Tiến Linh, bước ra khu vực, trước khi làm nên kỳ tích dự U20 World Cup. Nhưng cũng từ chính cột mốc 2016, bóng đá Việt Nam không sản sinh ra thêm lứa U19 nào đủ tầm sánh với các đàn anh. Khoảng cách trình độ giữa các thế hệ trẻ sau này với nhóm 1995-1997 thậm chí ngày một lớn.

u19 viet nam anh 1

Nguyễn Công Phương gây thất vọng dù được kỳ vọng nhiều. Ảnh: VFF.

Thất bại lần này đáng nói ở chỗ, lứa U19 hiện tại là tập hợp những gương mặt tốt của lứa sinh từ năm 2005-2007, là lứa cầu thủ nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho World Cup 2030 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

23 cầu thủ HLV Hiền Vinh mang sang Indonesia là những cái tên tốt nhất có thể của U19 Việt Nam. Tuy nhiên sau 2 trận gặp Myanmar và Australia, đội không trình làng một cá nhân nào thực sự nổi bật. Những cầu thủ nổi lên ở các giải trẻ trong nước như Lê Đình Long Vũ, Nguyễn Công Phương, Thái Bá Đạt, không tạo được khác biệt khi ra khu vực.

Trước giải, U19 Việt Nam vẫn được VFF đầu tư, cho đi tập huấn nước ngoài, đấu giao hữu với các đối thủ mạnh (Hàn Quốc, Uzbekistan), nhưng đó dường như vẫn chưa đủ để giành kết quả như ý khi đá giải Đông Nam Á.

HLV Hiền Vinh chia sẻ sau trận thua Australia rằng các học trò đã tiến bộ nhưng đối thủ quá mạnh. Đó có phải nguyên nhân? Nếu giải quyết được Myanmar ở lượt đầu, mọi thứ có thể sẽ khác. Trận hòa tai hại Myanmar (nếu không muốn nói là suýt thua) đã khiến U19 Việt Nam đi vào đường cụt.

Năm ngoái, U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Philippe Troussier hòa 2-2 Singapore tại vòng loại châu Á. Tháng 7 vừa rồi, U16 Việt Nam hòa 1-1 Campuchia. 2 kết quả đó cùng trận hòa Myanmar của đội U19 là những bằng chứng đanh thép cho việc bóng đá Việt Nam đã bị nhóm dưới khu vực thu hẹp khoảng cách.

Ai chịu trách nhiệm cho thất bại của các đội trẻ Việt Nam? VFF vẫn đầu tư đều đặn cho các lứa trẻ, tổ chức nhiều giải trẻ. VPF cũng thúc đẩy các CLB trong nước trao cơ hội cho cầu thủ trẻ. Nhưng như thế là chưa đủ. Bóng đá Việt Nam cần sự chung tay của các ông bầu và cần cái tâm của các lò đào tạo.

VFF đã thất bại với mục tiêu World Cup 2026 cùng lứa 1997-2002. Làm sao để dự World Cup 2030 sẽ còn là câu hỏi khó của bóng đá Việt Nam.