Trịnh Thu Vinh hai lần vào chung kết
nhưng đều không có huy chương ở Olympic Paris 2024.

14 trong 16 VĐV Việt Nam đã thi đấu ở 9 nội dung từ đầu Olympic Paris tới nay, không ai giành được huy chương. Dù vẫn còn những hy vọng ở Trịnh Văn Vinh (cử tạ, hạng cân 61 kg) hay Nguyễn Thị Hương (canoeing, đua thuyền C1 200 m), người hâm mộ có lẽ đã thấy rõ tiềm lực hiện tại của thể thao Việt Nam trong so sánh với thế giới và khu vực.

Năm 1980, đoàn Việt Nam trở lại với Olympic. Đến năm 2000, chúng ta có huy chương đầu tiên của Trần Hiếu Ngân khi cô về nhì ở một nội dung của taekwondon tại Sydney. Từ đó tới nay, thể thao Việt Nam đã cố gắng có được ít nhất một huy chương ở mỗi kỳ thế vận hội. Chúng ta một lần vượt “chuẩn” ấy khi Hoàng Xuân Vinh giành một HCV, một HCB ở Rio 2016, hai lần khác dưới “chuẩn” tại Athen 2004 và Nhật Bản 2021 (Olympic lùi một năm vì Covid-19).

Sau nhiều lần tham dự Olympic, đoàn thể thao Việt Nam giành được tổng cộng 5 huy chương gồm 1 vàng, 2 bạc, 2 đồng. Chúng ta thường xuyên duy trì vị trí ngoài top 60 thế giới, một lần xếp hạng 48 nhờ Hoàng Xuân Vinh và hai lần khác không được xếp hạng (do không có huy chương hồi 2004 và 2011).

the thao viet nam anh 1

Thành tích của thể thao Việt Nam qua các kỳ Olympic trong so sánh với Đông Nam Á. Đồ họa: Minh Chiến.

Vị thế nền thể thao sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn trong so sánh với khu vực.

Thành tích 5 huy chương Olympic của thể thao Việt Nam ngang với Singapore (đều có 1 vàng, 2 bạc và 2 đồng) và kém xa các nền thể thao mạnh khác cùng khu vực.

Malaysia chưa có HCV nào nhưng thành tích 15 huy chương, trong đó có 8 lần giành bạc, cho thấy đất nước này vẫn có một căn cơ thể thao vững vàng và chỉ đang thiếu may mắn.

Phía trên họ, Philippines, Indonesia và đặc biệt Thái Lan đều thuộc đẳng cấp khác. Philippines có 3 HCV Olympic cùng 13 huy chương các loại khác. Con số tương tự của Indonesia là 8-30 trong khi Thái Lan là 10-26, dẫn đầu khu vực.

Cách biệt rất lớn này cho thấy trong khi Việt Nam đang loay hoay thì các nước từ lâu đã có lời giải cho bài toán tiến ra thế giới. VĐV của họ không chỉ sẵn sàng cạnh tranh huy chương mà còn được chuẩn bị để chiến thắng, đứng trên đỉnh nền thể thao, ngang với những khu vực phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ hay Đông Á ở một số môn thế mạnh.

Những môn thế mạnh ấy cũng chính là khác biệt giúp nhóm nước Đông Nam Á tiến ra được Olympic.

Thái Lan có 36 huy chương thì 29 chiếc tấm thuộc về cử tạ và boxing. Indonesia tương tự khi cầu lông cùng cử tạ mang về 37/38 tấm. Malaysia cũng là cường quốc cầu lông với 11 trên 15 huy chương tới từ những VĐV cầm vợt. Singapore nổi tiếng với Joseph Schooling nhưng thế mạnh thực sự là bóng bàn với 3 trên 5 huy chương Olympic. Philippines cũng tương tự với 10 huy chương boxing qua các kỳ Olympic.

the thao viet nam anh 2

Trịnh Văn Vinh là hy vọng huy chương cuối cùng, anh ra quân vào tối nay. Ảnh: Minh Chiến.

Điểm giống nhau: Các nước Đông Nam Á đều không mạnh với những môn Olympic truyền thống như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ… Nhóm môn đạt thành tích cao nhất và do đấy được đầu tư hơn cả đều không đặt nặng lợi thế thể hình, chiều cao, đều tận dụng sự khéo léo, tốc độ, tính chính xác. Cử tạ, boxing, cầu lông, một số môn võ đều có chung đặc điểm này. Vòng loại hạng cân 61 kg của Trịnh Văn Vinh tối nay (7/8) có 12 VĐV thì tới 5 người đến từ Đông Nam Á.

Đương nhiên, vẫn có những ngoại lệ như Scholling ở Olympic 2016 nhưng đó thực sự là trường hợp hy hữu. Bằng chứng là ngoài Scholling, người Singapore cũng chưa có thêm huy chương bơi lội nào tại thế vận hội.

Chiếu sang thể thao Việt Nam, nguyên tắc trên vẫn không đổi. Tấm huy chương vàng duy nhất của Hoàng Xuân Vinh đến từ môn bắn súng, vốn không đòi hỏi cao về hình thể. Các huy chương khác ở cử tạ, võ thuật cũng có cùng điểm chung. Và không hề tình cờ, Trịnh Thu Vinh (bắn súng) cùng Trịnh Văn Vinh (cử tạ) là hai niềm hy vọng huy chương hàng đầu của thể thao Việt Nam ở Paris lần này.

Những bài học từ Đông Nam Á chắc chắn là một tham khảo rất hữu ích cho thể thao Việt Nam hướng tới Olympic.